Thịt bò xào đỗ thơm lừng ăn kèm thịt chân giò luộc chấm nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn thật đúng vị, thưởng thức cùng ít dưa chua và canh mướp rau mồng tơi sẽ khiến cho bữa ăn của gia đình bạn trở nên hoàn hảo. Đặt hàng ngay!
Đỗ: rửa sạch, tước kĩ xơ hai bên, cắt xéo mỏng thành từng khúc từ 3-4 cm. Luộc đỗ qua nước sôi sau đó vớt nhanh ra rồi nhúng vào chậu nước lạnh, mẹo này giúp đỗ khi xào sẽ giòn và vẫn giữ được màu xanh.
Hành khô, tỏi, gừng: bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
Thịt bò: rửa sạch, thái mỏng, sau đó ướp với một ít tỏi băm, gừng, nửa muỗng cà phê nước mắm, chút tiêu. Thêm một muỗng cà phê dầu ăn để thịt bò không bị khô.
Cách thực hiện
Cho 2 thìa dầu ăn vào chảo nóng, phi thơm phần hành và tỏi băm còn lại cho đến khi ngả sang màu vàng và có mùi thơm thì cho thịt bò đã sơ chế ở trên vào xào tái. Đảo nhanh đến khi thịt bò chín tái thì đổ ra bát riêng.
Tiếp tục đặt chảo lên bếp, phi thơm chút hành sau đó cho đỗ đã luộc qua vào xào đến khi gần chín thì cho thịt bò đã xào tái vào xào cùng, nêm nếm gia vị cho vừa ăn sau đó trút ra đĩa
Rắc thêm một chút tiêu, rau mùi lên trên để món ăn thêm phần thơm ngon.
Thịt chân giò luộc
Sơ chế nguyên liệu
Thịt chân giò: rút xương, rửa sạch sau đó cho ½ thìa cà phê bột canh và ½ thìa cà phê tiêu vào ướp phần thịt phía trong của chân giò. Để khoảng 15 phút cho chân giò ngấm gia vị
Cuộn chân giò lại sao cho tròn và giáp lại với nhau, làm như vậy để lúc luộc thịt sẽ không bị hở ra ngoài. Cuộc xong thì dùng lạt bó cuộn tròn quanh chân giò (chú ý không khi buộc lạt chỉ nên buộc vừa, không buộc quá chặt vì khi luộc dễ làm chân giò bị nứt gây mất thẩm mĩ cho món ăn.
Cách thực hiện
Cho chân giò vào nồi, đổ ngập nước để luộc, nên luộc vào nồi rộng rãi để chân giò có thể chín và nở hết cỡ. Luộc khoảng 30 phút thì vặn nhỏ lửa, đun âm ỉ cho đến khi thịt chín đêù.
Vớt chân giò ra và để nguội, bọc kín cho vào ngăn mát của tủ lạnh khoảng 15 phút thì lấy ra, việc này giúp cho thịt chân giò săn chắc hơn.
Cuối cùng để thưởng thức được món chân giò luộc thơm ngon, chúng ta chỉ việc cắt thịt heo theo khoanh tròn với độ dày khoảng 1cm rồi thưởng thức.
Canh mướp- rau mồng tơi
Sơ chế nguyên liệu
Thịt lợn: rửa sạch, băm nhỏ.
Mướp: nạo bỏ vỏ sau đó rửa sạch, bổ đôi trái mướp theo chiều dọc rồi cắt lát thành miếng vừa ăn.
Rau mồng tơi: nhặt bỏ lá già, lá sâu, rồi rửa sạch, để ráo sau đó thái nhỏ.
Hành khô: bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
Cách thực hiện
Cho dầu vào chảo nóng đến khi dầu sôi thì cho hành đã băm nhỏ vào phi thơm rồi cho thịt băm vào xào chín, nêm một ít bột canh cho thịt ngấm gia vị.
Đảo thịt khoảng 5 phút thì cho 1.5 lít nước vào đun ( có thể đổ lượng nước tùy số lượng người ăn, nhưng không nên đổ quá nhiều sẽ làm cho nước canh bớt vị ngọt)
Đun sôi nước thì cho mướp non vào đun tiếp khoảng 5 phút, sau đó cho rau mồng tơi vào nấu cùng, đun sôi và nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp và cho ra tô.
Chú ý rau mồng tơi rất nhanh chín vì vậy nên cho rau mồng tơi vào cuối cùng và không để rau chín quá vì như vậy làm rau bị nát và nhũn, khi ăn sẽ không ngon.
Canh dưa chua
Sơ chế nguyên liệu.
Cà chua: rửa sạch, thái múi cau.
Dưa chua: mua về rửa qua nước lạnh cho bớt mùi.
Hành lá: cắt gốc, rửa sạch, thái nhỏ khoảng ½ cm.
Cách thực hiện.
Bắc nồi lên bếp, cho dầu vào cho đến khi dầu sôi thì cho cà chua vào đảo khoảng 2-3 phút (nên nêm một chút bột canh để cà chua nhanh mềm).
Sau đó cho dưa chua vào đảo cùng khoảng 5 phút, nêm một ít bột canh để dưa ngấm gia vị.
Cho một lượng nước vừa đủ ăn vào và đun sôi, cho hành lá đã thái nhỏ vào rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.